Ledi Sayadaw-37 phẩm trợ đạo...(chương 7-8: Thất giác chi-Bát chánh đạo)
The Requisites of Enlightenment
Ven. Ledi Sayadaw
Bản dịch của Phạm Kim Khánh
Ven. Ledi Sayadaw
Bản dịch của Phạm Kim Khánh
Chương VII
Thất giác chi
(Bojjhanga)
Catusaccadhamme sutthu bujjhatì'ti sambodhi; sambodhiyà ango sambojjhango.
Sự giải thích danh từ như trên có nghĩa là: bởi vì sambodhi, chứng ngộ đầy đủ Bốn Chân Lý, nên gọi là "Giác Ngộ". Sambodhi ở đây là Tuệ Giác thông hiểu Ðạo Siêu Thế (lokuttara-magga-nàna). Một thành phần của Ðạo Tuệ như thế được gọi là Yếu Tố của sự Giác Ngộ (Giác Chi).
Loài chim đầu tiên được sanh ra khỏi bụng mẹ dưới hình thức một cái trứng. Khi trứng nở, chim được sanh ra lần thứ nhì. Cuối cùng, khi đủ lông đủ cánh, chim thoát ra khỏi ổ và có thể bay đi bất luận đâu mà nó thích. Trường hợp của người hành thiền cũng cùng thế ấy. Trước tiên, do nhờ vững vàng trong pháp Niệm Thân, hoặc nhờ thành công thực hành thiền Vắng Lặng (samatha), tâm của hành giả thoát ra khỏi trạng thái loạn động đã theo mình từ quá khứ vô tận của vòng luân hồi. Thứ đến, khi thành đạt tuệminh sát (vipassanà) thông hiểu Sắc, Danh và các Uẩn (rùpa, nàma, khandhà) hành giả thoát ra khỏi những hình thức thô kịch của vô minh. Cuối cùng, khi bảy yếu tố của sự giác ngộ, hay Thất Giác Chi (bojjhanga) phát triển và trở nên thuần thục, nó đủ trưởng thành để thành đạt Ðạo Tuệ Siêu Thế (lokuttara-magga-nàna), và như thế, đã thoát ra khỏi trạng thái phàm tục (puthujjana), tiến đến trạng thái Thánh Nhân (ariya), Siêu Thế (lokuttara) hay Niết Bàn.
Có bảy Yếu Tố của sự Giác Ngộ (Thất Giác Chi) là:
1. Niệm Giác Chi (sati-sambojjhanga),
2. Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya-sambojjhanga)
3. Tinh Tấn Giác Chi (vìriya-sambojjhanga),
4. Phỉ Giác Chi (piti-sambojjhanga),
5. Khinh An Giác Chi (passaddhi-sambojjhanga),
6. Ðịnh Giác Chi (samàdhi-sambojjhanga)
7. Xả Giác Chi (upekkhà-sambojjhanga)
Tâm sở "Niệm" (sati-cetasika), được gọi bằng nhiều tên khác nhau satipatthàna, satindriya, sati-bala, sammà-sati magganga (niệm xứ, niệm căn, niệm lực, chánh niệm), là Sati-sambojjhanga, Niệm Giác Chi. (yếu tố "Niệm" của sự Giác Ngộ).
Tâm sở "Tuệ" (pannà-cetasika) được gọi bằng nhiều tên khác nhau: vìmamsiddhipàda, pannindriya, pannà-bala, sammà-ditthi magganga (trạch quán như ý túc, tuệ căn, tuệ lực, chánh kiến), tất cả đều là dhammavicaya-sambojjhanga (Trạch Pháp Giác Chi, yếu tố "Trạch Pháp" của sự Giác Ngộ) -- Năm Thanh Tịnh thuộc về Trí Tuệ, ba Quán Niệm về Tuệ Giác, mười Tuệ Minh Sát [1], cũng được gọi là dhammavicaya-sambojjhanga, Trạch Pháp Giác Chi. Cũng như hột bông vải được xay, đánh ra v.v... tạo thành vải, tiến trình quán niệm Ngũ Uẩn (khandhà) lặp đi lặp lại dưới ánh sáng của Tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna) được gọi là Dhammavicaya-sambojjhanga, "Trạch Pháp Giác Chi".
Tâm sở "Tinh Tấn" (vìriya-cetasika) được gọi bằng những danh từ khác nhau sammappadhàna, vìriyindriya, vìriya-bala, và sammà-vayàma magganga (tấn như ý túc, tấn căn, tấn lực, và chánh tinh tấn), tất cả đều là "Tinh Tấn Giác Chi".
Niềm vui và hạnh phúc phát sanh khi tiến trình (thật sự) thấy và hiểu biết được tăng trưởng do nhờ sự thực hành Tứ Niệm Xứ, Satipatthàna, tức pháp Niệm Thân, được gọi là Piti-sambojjhanga, "Phỉ Giác Chi".
Tiến trình thân và tâm trở nên an tĩnh và vắng lặng khi những chao động tinh thần, những suy tư và nghĩ ngợi lắng đọng, được gọi là Passaddhi-sambojjhanga, "Khinh An Giác Chi". Ðó là tâm sở (cetasika) nhẹ nhàng an tĩnh của thân và tâm (kàya-passaddhi, citta-passaddhi).
Những yếu tố thuộc về Ðịnh được gọi là samàdh-indriya, samàdhi-bala, và sammà-samàdhi magganga (định căn, định lực, và chánh định) tất cả đều là samàdhisambojjhanga, Ðịnh Giác Chi, những yếu tố "Ðịnh của sự Giác Ngộ". Luân phiên thay đổi nhau Tạm Ðịnh, Cận Ðịnh và Toàn Ðịnh, hoặc tám tầng Thiền liên hợp với Thiền Vắng Lặng (samatha), Tâm Tịnh (citta-visuddhi) và tâm Ðịnh Hư Không (sunnatà-samàdhi) v.v... liên hợp với những Thanh Tịnh thuộc về Trí Tuệ, cũng được gọi samàdhi-sambojjhanga, "Ðịnh Giác Chi". Tâm Ðịnh nằm trong tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna), hoặc tuệ giác của Ðạo và của Quả được gọi là Tâm Ðịnh Hư Không (sunnatà-samàdhi), tâm Ðịnh Vô Ðiều Kiện (animitta-samàdhi) và tâm Ðịnh Không Ham Muốn (appanihità-samàdhi).
Khi thực hành với một đề mục hành thiền (kamma-tthàna) không đúng theo phương pháp hoặc không đúng theo hệ thống, cần phải xử dụng nhiều công phu vật chất và tinh thần. Nhưng khi đã hành đúng phương pháp và hệ thống ắt sẽ không cần phải nhiều tinh tấn như vậy. Tình trạng không còn phải cố gắng nhiều được gọi là tatramajjhattatà cetasika, tâm sở Xả. Và đó là upekkhà sambojjhanga, "Xả Giác Chi", yếu tố Xả của sự Giác Ngộ.
Khi có đầy đủ và đồng đều bảy sambodhi, đặc tánh cá biệt của sự Giác Ngộ, hành giả thọ hưởng trạng thái hoan hỷ thỏa thích và hạnh phúc của bậc sa-môn (samana, một nhà sư), trong Giáo Huấn của Ðức Phật -- loại hạnh phúc và hoan hỷ thỏa thích mà không có bất luận lạc thú trần gian nào có thể sánh.
Do đó kinh Dhammapada, Pháp Cú, có lời dạy:
"Vị tỳ khưu đã rút vào nơi ẩn trú đơn độc và đã lắng tâm an tĩnh, kinh nghiệm phỉ lạc siêu trần vì đã chứng ngộ Giáo Pháp (Dhamma)."
"Mỗi khi suy niệm về tình trạng sanh-diệt của các Uẩn (khandhà) vị ấy kinh nghiệm phỉ lạc và hạnh phúc. Ðối với 'những ai hiểu biết', (suy niệm ấy) là trạng thái Bất Diệt." (câu 373 và 374)
Có những đoạn trong kinh điển và những câu chuyện liên quan đến tình trạng cơ thể đau khổ và những chứng bệnh trầm trọng đã được chữa trị khi bịnh nhân nghe đọc tụng kinh Thất Giác Chi.
Tuy nhiên những khổ đau và tình trạng bịnh hoạn ngặt nghèo ấy chỉ có thể được chữa trị khi người nghe hay biết đầy đủ ý nghĩa của những "chi" (hay yếu tố) ấy của sự Giác Ngộ rồi phát sanh Ðức Tin (Saddhà) rộng lớn và rõ ràng nơi lời kinh.
Khi bảy Chi nầy của sự Giác Ngộ được hấp thụ đầy đủ một cách quân bình, hành giả có thể an tâm chắc chắn rằng sẽ không còn khuyết điểm nào của mình trong pháp Niệm Thân (kàyagatà sati), không có khuyết điểm nào trong tuệ giác chứng ngộ Vô Thường và Vô Ngã (anicca và anattà-sannà), cũng không có khuyết điểm trong sự tinh tấn (vìriya) của thân hay của tâm. Bởi vì tâm của hành giả an tĩnh tập trung vào ba yếu tố sati, dhammavicaya, vìriya -- niệm giác chi, trạch pháp giác chi, và tinh tấn giác chi - hành giả kinh nghiệm phỉ lạc trong sự hiểu biết rằng giờ đây mình có thể chứng ngộ ánh sáng Niết Bàn mà trong vòng luân hồi (samsàra) vô tận không bao giờ phát sanh đến mình, dầu trong giấc mơ. Do trạng thái tâm phỉ và lạc (sukha) ấy, trạng thái gom tâm vào đề mục của hành giả, tức tâm định (samàdhi) của hành giả, an tĩnh nhẹ nhàng và kiên cố (passaddhi, an khinh) và tâm Xả (upekkhà) khởi sanh, không còn lo âu và cố gắng chú niệm (sati), không lo âu và cố gắng Trạch Pháp (dhammavicaya) tức chứng ngộ anicca và anattà (vô thường và vô ngã), và không cần phải tinh tấn (vìriya).
Tất cả những điều được đề cập ở phần trên, liên quan đến giai đoạn mà những Yếu Tố của sự Giác Ngộ đều nhất trí đồng phát sanh và tương trợ lẫn nhau và những cơ năng tương đương đều viên mãn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng dầu còn ở giai đoạn thực hành thông thường, từ lúc sự "Chú Niệm hướng về Thân" được củng cố, những đặc tính như "niệm" cũng được xem là Bojjhanga (Niệm Giác Chi).
Trong kinh Bojjhanga Samyutta Ðức Phật dạy:
Satisambojjhangam bhàveti, vivekanissitam, viràganissitam, nirodhanissitam, vossaggaparinàmim; dhammavicayasambojjhangam ... upekkhà-samboj-jhangam
bhàveti, vivekanissitam viràganissitam nirodhanissitam vossaggaparinàmim.
"Vị ấy phát triển Niệm Giác Chi ... Xả Giác Chi, tùy thuộc nơi (hay căn cứ trên) sự không luyến ái, tùy thuộc nơi tình trạng không tham ái, tùy thuộc nơi tình trạng chấm dứt, rồi tiến đến tột điểm là buông xả."
Ðiều nầy có nghĩa là, trong diễn tiến thông thường (nơi đây được diễn đạt bằng những danh từ "Vị ấy phát triển ..."), tiến trình củng cố Niệm Thân, có nghĩa là củng cố Thất Giác Chi. Sự phân biệt và tình trạng phát triển đến mức cao độ được diễn đạt bằng những chữ "tùy thuộc nơi tình trạng không luyến ái ......." [2]
Ðoạn kinh Pàli được trích dẫn ở trên có nghĩa là: Ta phải thực hành các yếu tố "Niệm Giác Chi, v.v ... vốn tùy thuộc nơi tình trạng không có mặt tất cả những loại sinh hoạt và lo âu, không có mặt dục vọng và tham ái, vắng mặt tình trạng khổ đau dính liền theo những kiếp sống trong vòng luân hồi và tùy thuộc sự buông xả những tầng lớp nằm phía dưới kiếp sinh tồn (upadhi) [3].
(Hết chương 7)
Ghi chú:
[1] Xem chú thích trong Chương V.
[2] Ðược giải thích trong Bản Chú Giải BojjhangaVibanga.
[3] Bốn tầng lớp nằm phía dưới kiếp sinh tồn là: 1. dục lạc (kàmapadhi), 2. những ô nhiễm tinh thần (kilesàpadhi), 3. nghiệp (kammapadhi) và 4. ngũ uẩn (khandhùpadhi).
---------------------------------------------------------
Chương VIII
Bát chánh đạo
(Magganga)
Bát Chánh Ðạo (Tám Yếu Tố của Con Ðường) là:
Tuệ (pannà)
1. Chánh Kiến (sammà-ditthi)
2. Chánh Tư Duy (sammà-sankappa)
Giới (sìla)
3.Chánh Ngữ (sammà-vàcà)
4. Chánh Nghiệp (sammà-kammanta)
5. Chánh Mạng (sammà-àjìva)
Ðịnh (samàdhi)
6.Chánh Tinh Tấn (sammà-vàyàma)
7. Chánh Niệm (sammà-sati)
8. Chánh Ðịnh (sammà-samàdhi)
Tất cả tám Yếu Tố của Con Ðường đều có mặt trong Tri Kiến Tịnh (lokuttara -nànadassana -visuddhi). Trong những giai đoạn Thanh Tịnh trước, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng chỉ hiện diện trong Giới Tịnh (sìla-visuddhi), không có mặt trong Tâm Tịnh (citta-visuddhi) và các Thanh Tịnh còn lại.
Vì lẽ ấy, trong phạm vi các Phẩm Trợ Ðạo (bodhi-pakkhiya-dhamma), Giới Tịnh (sìlavisuddhi) có bản chất "tùy thuộc nơi không luyến ái" (viveka-nissita), v.v... đúng theo lời dạy sau đây (Magganga Vibhanga):
"Vị ấy phát triển Chánh Ngữ tùy thuộc nơi đặc tính không luyến ái, tùy thuộc nơi trạng thái không tham, tùy thuộc nơi trạng thái chấm dứt, tiến đến tột đỉnh là buông xả. Vị ấy phát triển Chánh Nghiệp ... Chánh Mạng tùy thuộc nơi đặc tính không luyến ái ..."
Ðoạn kinh nầy không đề cập đến Giới (sìla), vốn có chiều hướng thiên về những hình thức lạc thú của kiếp sinh tồn (bhava-sampatti) và tùy thuộc nơi vòng quanh những kiếp tái sanh (vatta nissita). Giới Tịnh (sìla-visuddhi) của những vị cố tình không nỗ lực thành đạt những Thánh Ðạo và Thánh Quả trong kiếp sống nầy không phải thật sự là àdibrahma-cariyaka-sìla, "giới đức nằm trong bản chất chánh yếu của đời sống Thánh Thiện", và như thế không thật sự là hạng bodhipakkhiya, trợ đạo. Tuy nhiên nếu có sự cố gắng theo chiều hướng nhằm thành tựu Niết Bàn trong kiếp sống tới, thì đó có thể là pàramì-sìla, Giới Ba-La-Mật, một thành phần của vivatta-nissita sìla, "Giới đức có chiều hướng chấm dứt vòng quanh những kiếp sống."
Những chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng của Bát Chánh Ðạo thuần túy nằm trong nhóm Giới (sìla-khandhà), và do đó thật sự là trạng thái Toàn Hảo của Giới Ðức. Những yếu tố ấy cũng được gọi là ba virati-cetasikà, ba tâm sở tiết chế (thân và khẩu).
Chánh Tư Duy (sammà-sankappa) là tâm sở "suy tư" hay "tư tưởng khái niệm" (vitakka cetasika). Vì đây là dấu hiệu báo tin cho biết trước có Trí Tuệ, hay là người dẫn đầu Trí Tuệ, nên nằm trong nhóm Tuệ (pannàkkhandha) của Bát Chánh Ðạo. Chánh Tư Duy có ba là: những tư tưởng từ khước, những tư tưởng không sân hận, và những tư tưởng không hung bạo (nekkhamma -sankappa, abyàpàda-sankappa, và avihimsà-sankappa).
Cũng giống như người kia bị cầm tù, hay bị quân thù đốt rừng bao vây, hoặc giống như cá nằm trong lưới, trong thùng, hay trong rọ, như chim trong lồng, (không thể ăn ngủ), ngày đêm lúc nào cũng chỉ ôm ấp dưỡng nuôi những ý nghĩ tìm cách thoát thân ra khỏi những nơi hiểm nguy ấy. Cũng như vậy, những người tận lực vận dụng tinh tấn loại Chánh Cần (sammappadhàna) để vượt thoát ra khỏi vô số những "nghiệp bất thiện xưa cũ đã phát sanh trong quá khứ" (uppanna-akusala kamma) và vô số những "nghiệp bất thiện mới chưa phát sanh" (anuppanna akusala kamma) chắc chắn phải trổ sanh trong tương lai. Suy tư của người lâm vào những hoàn cảnh tương tợ là "Tư Tưởng Khước Từ" của Bát Chánh Ðạo (nekkhamma sankappa magganga). Ðây là loại Tư Duy (sankappa) tìm cách để thoát ra khỏi những khổ đau của vòng quanh những kiếp sống (vatta-dukkha).
Tư Duy liên hợp với trạng thái chuyên chú vào tâm Từ (Mettà Jhàna) được gọi là abyàpàda -sankappa, "vô sân tư duy", ý nghĩ không bao gồm lòng sân hận; nếu liên hợp với trạng thái chuyên chú vào tâm Bi (Karunà Jhàna) thì được gọi là avihimsà-sankappa, "vô bạo tư duy", ý nghĩ không bao gồm lòng tàn ác hung bạo. Tư Duy liên hợp với những loại tâm chuyên chú (Jhàna) còn lại được gọi là "từ khước tư duy", những ý nghĩ từ khước (nekkhammà sankappa).
Bốn Chi của Con Ðường: Chánh Kiến, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh đã có được đề cập đến trong Chương VII, thảo luận về Thất Giác Chi.
Ajivatthamaka-sìla, [1] được hành trì với mục đích loại trừ "vương quốc tà kiến" rộng lớn nằm trong luồng nghiệp (ditthi anusaya), thuộc về nhóm Giới tại thế của Bát Chánh Ðạo (lokiya sìlakkhandha magganga). Ðó cũng là giai đoạn Giới Tịnh (sìla-visuddhi).
Tám phần của "Giới chấm dứt bằng Chánh Mạng" nầy (àjìvatthamaka-sìla) chia làm hai loại: một cho hàng cư sĩ tại gia và một cho các bậc xuất gia. Ba loại tiết chế liên quan đến thân bất thiện nghiệp (kàya-duccarita) và bốn liên quan đến khẩu bất thiện nghiệp (vacì-duccarita) nằm trong Giới của người tại gia. Bát Giới và Thập Giới [2] là phần tinh vi của những giới trên.
Ðối với hàng xuất gia, Giới gồm 227 giới luật (Vinaya), liên quan đến thân nghiệp và khẩu nghiệp. Những giới còn lại được ghi chép trong Tạng Luật (Vinaya Pitaka) là phần tinh vi của những giới trên.Như cây trưởng thành trong đất, sáu giai đoạn Thanh Tịnh sau cùng khởi đầu với Tâm Tịnh phát triển trên vùng đất đầu tiên là Giới Tịnh (sìla-visuddhi) [3]. Ðiểm đặc biệt là Giới Tịnh không pha lẩn với, mà củng cố vững chắc, năm giai đoạn Thanh Tịnh (tại thế) ở khoảng giữa. Trong trường hợp của giai đoạn Thanh Tịnh thứ bảy, Tri Kiến Tịnh siêu thế, Giới Tịnh sinh hoạt chung trong đó bởi vì nó là một, y hệt với ba thành phần của Giới (sìlakkhandha) siêu thế trong Bát Chánh Ðạo. Lý do là vì, trong trường hợp Giới Tịnh, đối tượng của sự chú tâm khác biệt với đối tượng của năm giai đoạn Thanh Tịnh ở khoảng giữa; nhưng cùng có một đối tượng và cùng sinh hoạt chung (saha-jàta) với Thanh Tịnh siêu thế.
Ðến đây chấm dứt phần giải thích phân hạng Sìla (nhóm Giới) của Bát Chánh Ðạo.
Về nhóm Ðịnh (samàdhi) của Bát Chánh Ðạo, có hai diễn tiến khác nhau. Trước tiên, là phương cách của vị hành giả thực hành Minh Sát thuần túy (suddha-vipassanà-yànika). Sau khi viên mãn hoàn tất Giới Tịnh và kiên cố vững chắc trong pháp Niệm Thân, vị ấy không theo con đường thiền Vắng Lặng (samatha) mà bước ngay vào con đường Minh Sát thuần túy như Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh v.v.... Thứ nhì, là con đường của vị hành giả thực hành cả hai, thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát (samathavipassanà-yànika). Vị ấy bắt đầu hành thiền Vắng Lặng cho đến lúc chứng đắc các tầng Thiền (Jhàna) như Sơ Thiền, Nhị Thiền v.v... rồi mới khởi công hành Minh Sát, xuyên qua những giai đoạn Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh v.v...
Trong hai đường lối thực hành,
1. Theo pháp hành Minh Sát Thuần Túy, ba Yếu Tố của nhóm Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo (samàdhikkhandha) làm nhiệm vụ gom tâm Vắng Lặng và thanh lọc tâm (cittavisuddhi, Tâm Tịnh) xuyên qua ba loại Ðịnh có tên là Ðịnh Hư Không, Ðịnh Vô Ðiều Kiện và Ðịnh Không Tham.
2. Trong pháp hành thiền Vắng Lặng rồi sau đó mới Minh Sát, ba Yếu Tố của nhóm Ðịnh thi hành nhiệm vụ gom tâm Vắng Lặng và thanh lọc tâm (citta-visuddhi, Tâm Tịnh), xuyên qua ba giai đoạn: sơ khởi, hay giai đoạn chuẩn bị, cũng gọi là Tạm Ðịnh (parikamma samàdhi), Cận Ðịnh (upacàra-samàdhi); và sau đó, vào giai đoạn Minh Sát, hai nhiệm vụ trên do tâm Ðịnh Hư Không v.v... đảm trách.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hành hai pháp Giới Tịnh và Niệm Thân, ba Yếu Tố của nhóm Ðịnh trong Bát Chánh Ðạo thi hành nhiệm vụ Tạm Ðịnh (khanika-samàdhi).
Ðến đây chấm dứt phần giải thích Nhóm Ðịnh.
Hai yếu tố của nhóm Tuệ hoàn thành nhiệm vụ Trí Tuệ của hai lối thực hành -- Minh Sát Thuần Túy và Minh Sát sau khi làm xong phần Vắng Lặng -- sau khi đã vững chắc củng cố trong giai đoạn Giới Tịnh và Niệm Thân. Ðiều nầy đúng cho cả hai, những Yếu
Tố tại thế và những Yếu Tố siêu thế của Bát Chánh Ðạo.
Nhập Lưu (sotàpatti)
Giờ đây Sư (Ngài Ledi Sayadaw) sẽ đề cập đến Ðạo của tầng Nhập Lưu, hay Tu-Ðà-Huờn Ðạo (sotàpatti-magga), trong Bát Chánh Ðạo.
Nên nhớ rằng sách nầy chỉ nhắm đến mức thấp nhất của các tầng Thánh, tức "Bon-sin-san" sukkhavipassaka sotàpanna [4]. Hiện nay có vô số những chúng sanh như Bà Visàkhà, Trưởng Giả Anàthapindika, Vua Trời Ðế Thích, Tứ Ðại Thiên Vương (càtumahàràjika-deva) v.v... đang vẫn còn tiếp tục hưởng thụ hạnh phúc và tiện nghi trong vòng quanh những kiếp sống ở những cảnh Trời. Các Ngài là những chúng sanh còn trước mặt nhiều lắm là bảy kiếp sống trong Dục Giới (gồm những cảnh trời thấp nhất trong Dục Giới) và một kiếp sống trong sáu cảnh Trời Phạm Thiên tương ứng với Tứ Thiền, hoặc cảnh Quảng Quả Thiên (Vehapphala Brahma, cảnh giới của chư vị Phạm Thiên hưởng Quả rộng lớn).
Số lượng những kiếp sống trong những cảnh Trời tương ứng với Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền không nhất định.
Tại sao gọi các Ngài là bậc Nhập Lưu (sotapanna)? Nước của năm con sông lớn và năm trăm dòng sông nhỏ bắt nguồn từ dảy núi Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya) không bao giờ chảy ngược trở lên nguồn, mà lúc nào cũng xuôi dòng chảy xuống, ra tận biển cả. Do đó ta gọi là sota (dòng nước chảy, hay triều lưu). Cùng thế ấy, các bậc Thánh Nhân (ariya) không bao giờ rơi trở xuống trạng thái Phàm Tục (puthujjana) mà luôn luôn tiến triển (vẫn trong trạng thái Thánh Nhân, ariya) cho đến khi thành tựu Vô Dư Niết Bàn (Anupàdisesa-Nibbàna).
Trong trường hợp người phàm (puthujjana), mặc dầu đã tiến đạt đến những cảnh trời cao, nhưng vẫn không có gì bảo đảm sẽ không còn sa đọa vào địa ngục a-tỳ (avìci), cảnh giới thấp nhất. Nhưng với vị Thánh Nhân (ariya) thì khác. Bất luận tái sanh vào hoàn cảnh nào, các Ngài không bao giờ có thể rơi vào bốn khổ cảnh, mà luôn luôn có chiều hướng tái sanh vào những cảnh giới cao hơn cảnh giới hiện tại. Người phàm tục (puthujjana), mặc dầu đã có thể được tái sanh trong Sắc Giới (rùpa loka) và Vô Sắc Giới (arùpa-loka) với ba căn thiện (tihetuka brahma) [5], vẫn có thể tái sanh trở lại vào một trong bốn khổ cảnh (duggati), như chó như heo, làm những tạo vật được sanh ra không có căn thiện (ahetuka) [6] nào.
Dầu cảnh giới hoặc hoàn cảnh sinh sống nào sẽ tái sanh vào, vị Thánh Nhân (ariya) không bao giờ thối hóa, mà luôn luôn ngày càng tiến lên cao hơn, cõi nầy cao hơn cõi truớc, hoàn cảnh nầy nhiều hạnh phúc hơn hoàn cảnh truớc. Chí đến khi tiến đến mức tột đỉnh, hoàn toàn chấm dứt Ngũ Uẩn và nhập Vô Dư Niết Bàn (AnupàdisesaNibbàna). Diễn tiến thẳng lên của con đường mà các Ngài trải qua được gọi là dhammasota, "Dòng suối Giáo Pháp". Con đường ấy bao gồm Dòng Suối Chánh Kiến (sammà-ditthi-sota), Dòng Suối Chánh Tư Duy (sammà sankappa-sota) v.v... đến Dòng Suối Chánh Ðịnh (sammà-samàdhi-sota).
"Dòng Suối Chánh Kiến" có nghĩa là trạng thái vững chắc thiết lập phạm vi Chánh Kiến (sammà ditthi) rộng lớn, nơi ấy ánh sáng của Tứ Diệu Ðế sáng ngời tỏ rạng. Phạm vi Chánh Kiến rộng lớn nầy được thiết lập bằng cách thay thế tầng lớp anusaya vĩ đại, khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm của Thân Kiến (sakkàya-ditthi), to lớn bao la.
Hiện trạng nầy cũng giống như khi đêm tối chấm dứt thì ánh sáng mặt trời loé lên, màn đêm rũ xuống thì ánh sáng ban ngày được thiết lập. Cùng thế ấy vương quốc ánh sáng của Chánh Kiến được củng cố thiết lập xuyên qua nhiều kiếp sống, nhiều chu kỳ thế gian, cho đến khi thành tựu Anupàdisesa-Nibbàna, Vô Dư Niết Bàn. ánh sáng nầy tăng trưởng dần, mỗi kiếp sống càng trở nên tỏ rạng và kiên cố hơn kiếp trước, kiếp nầy sang kiếp khác. Nó cũng giống như người kia sanh ra bị bịnh vây cá bao mù cả hai mắt, nhưng rồi được gặp thầy giỏi, thuốc tốt, được chữa trị đúng mức, nên phục hồi nhãn lực. Từ lúc bịnh vây cá chấm dứt, người ấy có thể nhìn thấy núi non, trời đất, trăng, sao v.v... và mắt sẽ sáng như vậy suốt đời. Cùng thế ấy, bậc Thánh Nhập Lưu (sotàpanna ariya) thành tựu tri kiến về ba đặc tướng (ti-lakkhana) của kiếp sinh tồn và về Bốn Chân Lý Thâm Diệu (Tứ Thánh Ðế). Tri kiến ấy sẽ không mất. Ðó là ý nghĩa đoạn "Chi Ðạo 'Chánh Kiến' của Bát Chánh Ðạo được thiết lập kiên cố". Kinh điển dạy [7]:
Sammà-ditthassa sammà-sankappo pahoti. [8]
"Nơi người có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy tiến triển".
Theo lời giải thích trên, nếu Chánh Kiến được kiên cố thiết lập thì Chánh Tư Duy --bao gồm ý định và phương cách thực hành nhằm thoát ra khỏi (nekkhamma) những hoàn cảnh bất hạnh của đời sống và nhằm bảo vệ người khác khỏi bị hành hung và đau khổ -- trở thành ngày càng vững chắc và lớn mạnh, kiếp nầy tiến triển nhiều hơn kiếp trước, cho đến khi thành đạt mục tiêu cuối cùng. Ðiều nầy cho thấy phương cách mà Chánh Tư Duy được kiên cố thiết lập.
Sammà-sankappassa sammà vàcà pahoti.
Nếu ý định và phương cách thực hành được kiên cố thiết lập nhằm thoát ra khỏi những hoàn cảnh bất hạnh của đời sống và nhằm thấy người khác không bị hành hung và đau khổ, Chánh Ngữ, những lời nói chân chánh, không bị bốn khẩu nghiệp (vacì-ducarrita) làm hoen ố và sẽ trở thành ngày càng vững chắc. Ðó là phương cách mà Chánh Ngữ được kiên cố thiết lập.
Sammà-vàcassa sammà-kammanto pahoti.
Nếu Chánh Ngữ được củng cố vững chắc, khẩu nghiệp sẽ được trong sạch, ba loại thân bất thiện nghiệp (kàya-duccarita) đã bị loại trừ và Chánh Nghiệp tiến triển dần. Ðó là phương cách củng cố Chánh Nghiệp.
Sammà-kammantassa sammà-àjìvo pahoti.
Khi quan kiến, ý định, lời nói và hành động trở nên trong sạch, những hình thức sinh sống cũng trong sạch và ta không bao giờ có thể hấp thụ lối sinh sống thấp hèn ô nhiễm. Ðó là phương cách mà Chánh Mạng được củng cố.
Sammà-àjìvassa sammà-vàyàmo pahoti.
Khi quan kiến, ý định, lời nói, hành động và lối sinh sống trở thành trong sạch, ắt có loại chí lực và cố gắng không bao giờ chấp nhận lối sinh sống bất thiện, sai quấy lầm lạc. Ðó là phương cách mà Chánh Tinh Tấn được củng cố thiết lập.
Sammà-vàyàmassa sammà-sati pahoti.
Cùng thế ấy, Chánh Niệm vốn bắt nguồn từ trong những nỗ lực trong sạch thực hành Giới, Ðịnh và Tuệ, trở thành ngày càng củng cố vững chắc hơn, từ kiếp nầy sang kiếp khác. Ðó là phương cách mà Chánh Niệm được kiên cố thiết lập.
Sammà-satissa sammà-samàdhi pahoti.
Cùng thế ấy, Chánh Ðịnh vốn bắt nguồn từ trạng thái chăm chú giữ chánh niệm trong khi thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ, cũng trở thành vững vàng kiên cố bền lâu, và do đó phát triển nhiều khả năng kiểm soát tâm. Ðó là phương cách mà Chánh Ðịnh được kiên cố thiết lập.
Trên đây là phương cách mà tám Yếu Tố của Con Ðường -- tức tám chi của Bát Chánh Ðạo (magganga), được gọi là dhamma sota, Dòng Suối Giáo Pháp -- kiên cố thiết lập và tiến triển dần xuyên qua nhiều kiếp sống và nhiều chu kỳ thế gian từ lúc thành tựu giai đoạn Nhập Lưu (sotàpanna) cho đến khi cuối cùng nhập Vô Dư Niết Bàn (Anupàdisesa-Nibbàna).
Mặc dầu từ khi vững vàng Niệm Thân có những tiến bộ như đã nói ở phần trên, nhưng hành giả vẫn chưa thành đạt trạng thái ổn Ðịnh (niyàma, đều đặn vững bền tiến triển) nên vị ấy chưa đến mức trở thành bậc Thánh Nhân (ariya). Chính "Ðạo" (magga) của bậc Nhập Lưu (sotàpatti magga, Nhập Lưu Ðạo) là khởi điểm của Dòng Suối của bậc Thánh (ariya-sota). Một khi tiến đến mức Nhập Lưu Ðạo thì vị hành giả đã bước vào phạm vi của chư vị Thánh Nhân.
Do đó có lời dạy:
Sotam àdito pajjimsu pàpunimsù'ti sotàpannà.
"Vị ấy được gọi là Nhập Lưu vì lần đầu tiên bước vào, hay tiến đến mức, Dòng Suối của bậc Thánh Nhân."
Ðến đây chấm dứt phần giải đáp câu hỏi, "Tại sao các vị ấy được gọi là Sotàpanna, Nhập Lưu?"
Vừa lúc tiến đến giai đoạn trở thành Thánh Nhân vị hành giả đã vượt lên khỏi trạng thái Phàm Nhân (puthujjana), không còn là "chúng sanh trong thế gian" mà đã trở thànhSiêu Thế (lokuttara). Các Ngài không còn phải chịu những khổ đau của vòng quanh những kiếp sống (vatta dukkha) vì đã chứng ngộ Niết Bàn. Từ lúc thành đạt Ðạo Quả Nhập Lưu, và xuyên qua nhiều kiếp sống còn lại trước mặt, các Ngài không bao giờ rơi ngược trở xuống. Các Ngài không thể còn trở lui về tầng lớp khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm (anusaya) của Thân Kiến (sakàya-ditthi), có nghĩa là các Ngài không thể trở lại trạng thái Phàm Nhân (puthujjana). Các Ngài vững chắc củng cố tầng Thánh đầu tiên của Hữu Dư Niết Bàn (Sa-upàdisesa-Nibbàna), tức Niết Bàn được chứng ngộ trong kiếp sống hiện tại và, trong những kiếp sống còn lại, sẽ hưởng nhiều hạnh phúc ở cảnh người, cảnh trời hoặc cảnh Phạm Thiên.
"Tám Chi của Con Ðường" nầy đồng khởi sanh cùng lúc đến vị Thánh Nhân, ngay vào khoảnh khắc chứng đắc Ðạo (magga) và Quả (phala) siêu thế. Ðối với hạng phàm nhân, nghiệp thiện tại thế (lokiya-kusala-kamma), tức ba thành phần của nhóm Giới chỉ phát sanh liên hợp với nghiệp thiện của giới (sìla-kusala-kamma). Nhưng ba thành phần của nhóm Ðịnh (Samàdhi) và hai thành phần của nhóm Tuệ (Pannà) phát sanh liên hợp với nhiều loại thiện nghiệp (kusala-kamma).
Mặc dầu ba Chi Ðạo của nhóm Giới chỉ liên hợp với nghiệp thiện của giới (sìla-kusalakamma), nó vững chắc củng cố nơi các vị Thánh như avitikkama, "không-thể-vi-phạm" trong suốt những kiếp sống còn lại.
Ðến đây chấm dứt phần giải thích về Bát Chánh Ðạo.[9]
(Hết chương 8)
Ghi chú:
[1] Xem chú thích, Phần Nhập Ðề.
[2] Xem chú thích, Phần Nhập Ðề.
[3] Bảy giai đoạn của Thanh Tịnh Ðạo là: Giới Tịnh, Tâm Tịnh, Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh, Ðạo Tri Kiến Tịnh và Tri Kiến Tịnh.
[4] Xem chú thích, Chương III.
[5] Danh từ tihetuka hàm ý là thức tái sanh có đủ tất cả ba căn tạo duyên thiện (hetu), tức Không-Tham, Không-Sân, và Không-Si.
[6] Ahetuka hàm ý là thức tái sanh không có căn nào trong ba căn thiện.
[7] Magga Samyutta, Tạp A-Hàm Ðạo, Vagga, phẩm, 1. Sutta, bài kinh 1.
[8] Theo Bản Chú Giải, danh từ pahoti có nghĩa vaddhati, lớn mạnh lên, tăng trưởng.
[9] Có 14 tâm sở "tịnh hảo" (sobhana cetasika) được bao gồm trong 37 Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya-dhamma) là: 1. lòng nhiệt thành (chanda, dục, nóng lòng muốn làm), 2. thức (citta), 3. tâm buông xả (tatramajjhattatà = upekkhà), 4. đức tin (saddhà), 5. trạng thái an khinh (passaddhi), 6. trí tuệ (pannà), 7. tư duy (vitakka = sankappa), 8. tinh tấn (vìriya), 9. chánh ngữ (sammà-vàcà), 10. chánh nghiệp (sammà-kammanta), 11. chánh mạng (sammà-àjìva), 12. niệm (sati), 13. phỉ (pìti), 14. nhứt điểm tâm (ekaggatà = samàdhi).
Nhận xét
Đăng nhận xét